Monday, July 13, 2009

Cong Tac SPVDH


VIII. Một Số Hoạt Động

Trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm hoạt động, các ghe Nautilus và chiến đĩnh LLHT cũng như toán Biệt Hải đã thi hành hàng ngàn chuyến công tác đủ loại. Sau đây là những công tác đáng nhớ.

1. Công Tác Của Ghe Nautilus

Tuy các ghe Nautilus hoạt động bắt đầu hoạt động từ năm 1956, nhưng những chuyến công tác đầu tiên chỉ dể tiếp tế cho những toán nằm vùng ngoài Bắc Việt và rất bất thường, có khi mỗi năm chỉ xảy ra một, vài lần. Sau này, vào khoảng các năm 1962, 1963, những chuyến công tác Nautilus trở nên thường xuyên hơn và có mục đích tích cực hơn. Sau đây là một số hoạt độngtiêu biểu của Toán Công Tác Đường Biển trong thời gian này:

- Chuyến Công Tác Nautilus I ngày 12/1/62

Ngày 12 tháng 2 năm 1962, vào khoảng 5 giờ sáng, ghe Nautilus I rời Đà Nẵng lên đường ra miền Bắc để thực hiện công tác liên lạc và tiếp tế cho các công tác viên nằm vùng. Sau hai ngày hải hành trong vịnh Bắc Việt không có gì trở ngại, Nautilus I tới vùng điểm hẹn Hòn Gai. Trước đó ít lâu, điệp viên Ares đã gửi điện văn yêu cầu tiếp tế nhiều nhu yếu phẩm, trong đó có cả máy truyền tin. Ngoại trừ thuyền trưởng, đa số thủy thủ đoàn của Nautilus 1 còn rất trẻ đều không biết rõ mục tiêu của chuyến công tác. Trước đó không lâu, dưới sự điều động của cơ quan xâm nhập đường biển, Nautilus I đã đổ một người tên Quang lên vùng biển Hà Tĩnh gần Đèo Ngang an toàn. Thủy thủ đoàn cũng đã nhiều lần lên bờ sống lẫn lộn với dân đánh cá địa phương để thu thập tin tức.

Khi tới Hòn Gai, Nautilus I neo ở gần một hòn đảo nhỏ và giả dạng đang đánh cá để chờ trời tối. Đến tối, Nautilus theo mật hiệu của Ares vào đến điểm trong bờ hẹn thì bị phục kích. Chiếc ghe và toàn thể thủy thủ đoàn bị rơi vào tay địch. Điệp viên Ares cũng không thấy tăm tích!

- Công Tác Nautilus II Ngày 28-6-62

Ngày 28 tháng 6 năm 1962, thủy thủ đoàn Nautilus II rời Đà Nẵng lên đường vượt vĩ tuyến 17 trong một công tác đặc biệt: đó là thả bốn người nhái tại cửa sông Gianh để đặt mìn phá hoại những chiếc tầu Swatow của Việt Cộng tại căn cứ Hải Quân Quảng Khê gần đó. Bốn người này là các anh Lê Văn Kinh, Nguyễn Hữu Thảo, Nguyễn Văn Tâm và Lê Văn Chuyên. Họ thuộc toán người nhái đầu tiên của Hải Quân VNCH gồm 18 người được gửi đi thụ huấn tại Đài Loan vào tháng 8 năm 1960.

Tới địa điểm hoạt động, những người nhái thuộc toán phá hoại xuống nước và chuẩn bị đặt mìn. Nhưng rủi ro không hiểu vì lý do gì, một trái mìn bị nổ trước khi tới mục tiêu, khiến một người nhái bị tử thương tại chỗ. Vì vậy, lực lương duyên phòng VC báo động và đuổi bắt. Chiếc thuyền Nautilus xả hết tốc lực chạy về vĩ tuyến 17 nhưng bị các tầu tuần VC có tốc lực nhanh hơn đuổi kịp và đánh chìm gần vĩ tuyến 17. Nhân viên CIA ở Đà Nẵng nghe được liên lạc âm thoại của các tầu CS nhưng không làm gì được để tiếp cứu Nautilus II.

Kết quả có hai người nhái bị bắt là anh trưởng toán Lê Văn Kinh và Nguyễn Văn Tâm. Trongsố thủy thủ đoàn Nautilus II, chỉ có một người thoát nạn nhờ núp dưới lá buồm của chiếc thuyền bị chìm, và được một lực lượng xuất phát từ Đà Nẵng cứu thoát trên biển.

- Công Tác Vào Tháng 7 năm 1962

Trong chuyến công tác này, một điệp viên tên Nguyễn Châu Thanh đổ bộ thành công tại vùng Hà Tĩnh. Theo kế hoạch, thủy thủ đoàn Nautilus III đảm nhiệm công tác này, nhưng đến phút chót, công tác được giao cho một chiếc thuyền khác.

- Công Tác Nautilus VII

Vào tháng 7 năm 1963, toán Dragon gồm có 6 người Nùng do Mộc A Tài chỉ huy đổ bộ lên vùng Móng Cái, sát biên giới Việt Hoa với nhiệm vụ phá hủy đài radar duyên hải tại địa phương. Ngoài ra, toán Dragon cũng được lệnh hoạt động vô hạn định trong khu vực quen thuộc nhiều người Nùng này và liên lạc với những người Nùng khác là lính cũ của Đại Tá Woong A Sáng sư đoàn 22 BB để lại nằm vùng tại miền Bắc trong cuộc di cư vào Nam năm 1954. Sở Địa Hình đã liên lạc với Đại Tá Sáng để biết về tung tích của những ngưới lính cũ nằm cùng này. Nếu gặp được nắm được, toán Dragon sẽ dùng họ để chỉ điểm và cộng tác.

Chiếc ghe Nautilus 7 có nhiệm vụ chở Team Dragon tới điểm đổ bộ. Thủy Thủ Đoàn Nautilus cũng được dặn dò phải cẩn thận đi theo một hải trình đã vạch sẵn để tránh các đài radar ở đảo Hải Nam có thể phát hiện họ khi xâm nhập hải phận miền Bắc.

Chẳng may, khi Nautilus 7 tới điểm đổ bộ thì bị phát hiện, lúc đó toán đổ bộ đã lên bờ. Nautilus 7 sau này về được đến Đà Nẵng, nhưng một số thủy thủ và toán đổ bộ bị bắt. Một trong số người bị bắt cho biết như sau:

"Những chuyến xâm nhập bằng đường biển đều rất thành công. Bằng cớ là tôi đã hoàn tất 11 chuyến công tác trước khi bị bắt. Công tác của chúng tôi chia làm 3 loại: thám sát để thu thập tin tức tình báo, đổ bộ biệt kích và phá hoại. Chúng tôi có cả thảy 7 chiếc ghe, thủy thủ đoàn luôn luôn được thay đổi. Thí dụ như tôi lúc đầu thuộc toán Nautilus 2, sau đó qua Nautilus 4 và cuối cùng tới Nautilus 7 khi bị bắt. Nautilus 4 đã xâm nhập Hải Phòng 2 lần nhưng đều trở về an toàn. Chúng tôi đã nhiều lần hoàn tất công tác tại các vùng thật xa như Móng Cái gần biên giới Hoa-Việt và vùng Đèo Ngang thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Theo tôi biết, Nautilus II là chiếc ghe độc nhất bị mất trong chuyến công tác chở người nhái đặt mìn tại Quảng Khê vào tháng 6/62".

2. Công Tác Của PTF

Không có tài liệu nào cho biết về hoạt động của các tầu Swift và PTF trước năm 64 khi còn do CIA điều động với những ngưới ngoại quốc như Đức, Na Uy hay Trung Hoa làm thuyền trưởng, nhưng từ năm 64 là lúc SPVZH được thành lập và các chiến đĩnh do HQVNCH điều động thì có rất nhiều công tác thành công. Cũng cần nói thêm, những công tác của MAGSOC đều có tính cách chiến lược hơn là chiến thuật, vì vậy không hẳn đặt nặng vào vấn đề phá hoại mục tiêu hay giết được nhiều địch mà nhằm vào việc thâu thập tin tức tình báo cũng như khuấy rối hậu tuyến địch hoặc chiến tranh tâm lý.

Trong suốt thời gian hoạt động khoảng 8 năm, các PTF thuộc LLHT đã thực hiện trên dưới 1,000 chuyến công tác xâm nhập hải phận Bắc Việt. Khoảng từ năm 1965 đến năm 1970 có nhiều công tác nhất. Đặc biệt trong thời điểm phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc Bắc Việt, có những thủy thủ đoàn đi 5, 6 chuyến công tác mỗi tháng.

LLHT có tới 12 thủy thủ đoàn, gọi là Crew 1 đến Crew 12 (C1 - C12). Cấp số mỗi crew là 19 người. Về PTF cũng có 12 chiếc đặt tên từ Boat 1 đến Boat 12 (B1 - B12). Trên nguyên tắc, mỗi một thủy thủ đoàn chịu trách nhiệm một PTF, thí dụ C1 được giao cho B1, C2 lãnh B2 v.v... Vì vậy, thủy thủ đoàn C1 cũng thường được gọi là B1 v.v... PTF thuộc LLHT không bao giờ hoạt động đơn độc phía trên vĩ tuyến 17 Bắc. Mỗi chuyến công tác gồm từ 2 tới 4 PTF, tùy theo mức độ quan trọng hoặc vùng hoạt động xa hay gần. Trung bình, mỗi chuyến công tác thường có 3 PTF. Tuy mỗi thủy thủ đoàn được giao cho một PTF, nhưng khi đi công tác, bao giờ những chiếc tầu tốt nhất cũng được ưu tiên lựa chọn, vì vậy, thủy thủ đoàn này lấy chiếc tầu kia đi công tác là chuyện rất thông thường.

Sau đây chỉ là một số hoạt động tiêu biểu trong tháng 6 năm 1964.

- Ngày 12, hai toán chiến đĩnh đổ toán đổ bộ lên hai mục tiêu khác nhau tại vùng biển Bắc Việt. Một toán tại vùng Cửa Ron thuộc tỉnh Hà Tĩnh và một toán xa hơn về phía Bắc thuộc tỉnh Thanh Hóa. Toán đổ bộ tại cửa Ron mang theo súng 57 ly không giật đã bắn tan một đồn binh của Bắc Việt tại Hải Khẩu. Toán đổ bộ tại Thanh Hóa đặt mìn phá nổ cầu sông Hàng. Tất cả toán đổ bộ gồm 26 người đều trở về chiến đĩnh vô sự.

- Trong đêm 26 rạng ngày 27, một toán chuyên viên đặt chất nổ gồm 7 người hợp với toán yểm trợ 24 người đã phá nổ một cây cầu trên Quốc Lộ 1 gần Thanh Hóa, hạ sát 2 lính gác cầu và 4 lính Bắc Việt mà không bị thiệt hại.

- Đêm 30 rạng 1 tháng 7, một toán đổ bộ gồm khoảng 30 người đã dùng súng 57 ly không giật bắn sập nhà máy nước tại cửa sông Kiên gần Đồng Hới. Vào khoảng quá nửa đêm, hai PTF 5 và 6 đổ bộ người bằng bè cao su. Toán đổ bộ hoàn tất công tác nhưng đụng độ nặng với lính Bắc Việt. Hai PTF tiến lại gần bờ bắn yểm trợ bằng súng 40 và 20 ly để đưa toán đổ bộ về tầu. Kết quả toán đổ bộ bị thiệt mất 2 người nhưng cũng bắt sống được 2 địch quân. Sau này, Bắc Việt cho biết bắt sống được một Biệt Kích Quân và anh này cho biết thuộc toán đổ bộ đã đánh sập cầu sông Hàng tại Thanh Hóa trước đây. Anh cũng cho biết những Biệt Kích Quân đều được huấn luyện tinh thục và rất quen thuộc với kỹ thuật đổ bộ, có thể đánh phá các mục tiêu trên bộ rồi trở về chiến đĩnh không mấy khó khăn. Anh cũng cho biết các Biệt Kích Quân thích đổ bộ bằng đường biển hơn lối thả dù bằng máy bay vì an toàn và được yểm trợ hữu hiệu hơn.

3. Công Tác Tâm Lý Chiến

Ngoài những công tác đổ toán với mục tiêu phá hoại hay bắt những cán bộ hay lính Bắc Việt để khai thác tin tức tình báo. Các PTF còn thực hiện nhiều công tác khác ngoài biển, không cần dùng tới toán đổ bộ như: xét những ghe đánh cá để thu thập tài liệu hoặc bắt một vài dân đánh cá để khai thác tin tức, bắn phá các mục tiêu trên bộ, bắn truyền đơn vào vùng duyên hải đông dân cư v.v...

Các công tác bắn truyền đơn thường được thực hiện tại vùng bờ biển đông dân cư, khoảng từ vĩ tuyến 18 Bắc trở xuống. Các truyền đơn đã được nạp sẵn vào đầu đạn, 81 ly. Khi tới vùng hoạt động, các PTF chạy rất gần bờ, khoảng từ 1,500 thuớc tớ 2,000 ngàn thước rồi bắn những đầu đạn có truyền đơn vào các xóm làng ven biển. Đầu đạn sẽ nổ trên không như đạn trái sáng và tuyền đơn tung ra như được rải từ trên không. Đôi khi, các PTF cũng thả các máy thâu thanh được bọc kỹ trong túi ny-lông không thấm nước tại các làng dọc theo duyên hải để dân chúng có thể nghe các đài phát thanh miền Nam như Tiếng Nói Tự Do, Mẹ Việt Nam, Gươm Thiêng Ái Quốc v.v...

Công tác bắt dân đánh cá để thực hiện mục tiêu tuyên truyền được thực hiện lần đầu vào ngày 27 tháng 5 năm 1964. Trong chuyến công tác này gồm có một PTF và một Swift bắt một ghe đánh cá tại vùng biển Đồng Hới. Sáu ngư phủ cùng với chiếc ghe được đưa về Cù Lao Chàm gần Đà Nẵng. Tại đây, các ngư phủ được đối xử và cho ăn uống tử tế trong suốt thời gian lưu trú để tuyên truyền. Tới ngày 2 tháng 6, các ngư phủ này được trả về vùng biển trước đây đã bị bắt cùng với thuyền dánh cá của họ và một số quà như máy thu thanh mà người miền Bắc gọi là "đài", vải vóc, thực phẩm, đồ dùng bằng nhựa v.v...

Ngày 7 tháng 7, các chiến đĩnh bắt thêm 3 ghe và ngày 20 tháng 7 thêm 2 ghe khác. Sau này, các Swift không còn đảm nhận công tác phía Bắc của vĩ tuyến 17 nên việc xét và bắt các ngư phủ đều do các PTF thực hiện. Có lẽ vì các PTF có vận tốc nhanh và cũng cao hơn Swift nên việc kéo ghe đánh cá không có người lái về Cù Lao Chàm thường khiến ghe bị chìm nên sau này chỉ chỉ bắt người mà không kéo ghe. Khi thả các ngư phủ, các chiến đĩnh mang theo các thuyền thúng và thả họ tại vùng đã bị bắt trước đây.

Sau này, có tài liệu của Hoa Kỳ nói rằng sau khi bắt ngư phủ, các PTF không kéo theo ghe đánh cá như trước mà để lại đặt chất nổ rồi thả trôi để làm bẫy. Điều này hoàn toàn vô căn cứ. Việc không kéo theo ghe đánh cá thật ra vì lý do thực tế nhiều hơn vì lý do phá hoại. Thông thường ngư dân ngoài Bắc sống dưới chế độ Cộng Sản đều rất nghèo đói, nên ghe đánh cá của họ rất mong manh và sơ sài, chỉ có thể hành nghề tương đối gần bờ trong nhưng ngày biển êm. Vì vậy, ngay cả với Swift là chiến đĩnh loại nhỏ cũng phải kéo rất cẩn thận với vận tóc thật chậm, khoảng dưới 10 hải lý một giờ để tránh ghe bị chìm hoặc bể. Đó là vùng gần vĩ tuyến 17 như Đồng Hới, Quảng Khê dân còn có ghe tuy sơ sài để đánh cá. Xa hơn về phía Bắc như tại vùng Thanh Hóa, Nghệ An, các ngư phủ nghèo đến độ không có còn có ghe mà họ phải dùng "mảng" là một bè gồm nhiều thân cây tre cột lại với nhau bằng "lạt" tức là giây làm bằng tre chẻ nhỏ. Dĩ nhiên, những "mảng" này không có máy mà chạy bằng buồm và chèo. Buồm cũng không làm bằng vải mà làm bằng lá gồi hoặc cói đan lại như chiếc chiếu. Cột buồm cũng làm bằng thân một cây tre lớn. Khi hành nghề trên các "mảng" này, dân đánh cá lúc nào cũng bị ướt vì mảng tuy nổi nhưng luôn luôn sâm sấp nước ngập tới cổ chân! Vì vậy, dù có muốn kéo những "mảng" hay "bè" tre này cũng không được. Về y phục, những người chủ ghe khá lắm mới có được quần áo vá chằng chịt không biết mấy lớp. Đa số người trên mảng chỉ trùm một chiếc "áo tơi" cũng làm làm bằng lá gồi cột lại. Dụng cụ đánh cá của họ là những sợi dây câu cuốn vào ống tre chứ không có lưới.

Chúng tôi còn nhớ một lần xét ghe ngoài khơi cửa Lạch Trường tức cửa bể Sầm Sơn gần Thanh Hóa. Hôm đó, vào khoảng tháng 12, trời mưa phùn với gió Bấc thổi khá lạnh. Khi chiến đĩnh lại gần thấy chiếc mảng trên có 5, 6 ngư phủ đầu đội nón lá, tay kéo chặt chiếc áo tơi lá gồi, ngồi xổm co ro vào một góc như để tránh gió và che chở lẫn cho nhau. Thấy có vẻ khả nghi, nhân viên xét ghe trên chiến đĩnh dùng loa phóng thanh cầm tay (megaphone) ra lệnh cho những người dưới mảng "đứng dậy, dơ tay lên". Các ngư phủ trên mảng nhìn nhau có vẻ bối rối, nhưng khi thấy toán xét ghe trên tầu chĩa súng xuống, họ phải đứng lên và bỏ tay đang giữ chiếc áo tơi để đưa lên khỏi đầu. Lập tức, những chiếc áo tơi lá không còn bị cầm giữ nữa tuột khỏi thân người, rơi xuống mảng. Tất cả mọi người trên chiến đĩnh đều vô cùng ngạc nhiên khi thấy các ngư phủ đều trần truồng, bên trong không mặc quần áo gì cả! Khi đưa họ lên tầu, cho ăn uống no nê, hỏi ra mới biết theo "chỉ số", mỗi người dân chỉ được mua 2 thước vải quốc doanh một năm, mua vải chợ đen thì không có tiền. Vì vậy khi đi biển, người nào có áo vá chằng vá đụp đã là loại sang, còn đa số chỉ đánh chiếc áo tơi lá gồi để che mưa nắng, còn quần áo để đành cho các dịp trọng đại khác.

Về công tác tâm lý chiến, một hạm trưởng thâm niên thuộc LLHT kể lại như sau:

" Trong năm 1967, chúng tôi thi hành một kế hoạch tâm lý chiến đặc biệt. Trong gần ba tháng, chúng tôi bắt hơn 300 ngư dân từ Đồng Hới đến Thanh Hóa, cứ mỗi xã bắt hai người. Sau đó đưa họ về Cù lao Chàm, nuôi họ mỗi ngày nửa con gà. Sau ba tháng, anh nào anh nấy mập ú, da dẻ hồng hào. Chúng tôi thả họ về nguyên quán sau đó để xem phản ứng của dân chúng cũng như chính quyền miền Bắc như thế nào. Quả như chúng tôi nghĩ, trong sáu tháng sau, chúng tôi cố gắng bắt lại vài ngư phủ này để khai thác, nhưng tìm mãi cũng chẳng được người nào. Đến gần chín tháng mới bắt được một người, anh ta than thở: "Mấy ông hại tui. Khi mấy ông thả tui về, chính quyền địa phương thấy tui mập quá, đem nhốt cải tạo tư tưởng, đến bây giờ mới cho về."

No comments:

Post a Comment